Trong một hệ thống toàn trị dưới sự lãnh đạo của một đảng chính trị duy nhất, hơn nữa, một cá nhân nắm giữ toàn bộ quyền lực độc tôn sẽ cực kỳ nguy hiểm. Khi đó, cơ chế kiểm soát và điều chỉnh quyền lực sẽ hoàn toàn bị vô hiệu hóa, kéo theo các tiếng nói phản biện hoàn toàn bị dập tắt.
Câu chuyện Bộ Công an Việt Nam tái cơ cấu tổ chức, bằng cách bỏ công an cấp huyện được cho là cấp trung gian “không cần thiết”. Với lý do, công an cấp xã được coi là lực lượng có vai trò gần dân hơn bao giờ hết.
Thực chất của chủ trương bỏ “công an cấp huyện” của Tổng Bí thư Tô Lâm, nhằm xác lập chế độ kiểm soát, kìm kẹp người dân một cách chặt chẽ hơn. Đây là điều xác nhận sự hiện diện của chế độ Công an trị ở Việt Nam, đã có mặt trong mọi ngóc ngách của thôn xóm.
Hệ thống tư pháp Việt Nam hiện nay bao gồm 3 cơ quan chính, được tổ chức theo cấp bậc trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện tạo ra một hệ thống các cơ quan đồng cấp.
Cụ thể, Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp; Viện Kiểm sát nhân dân thực hiện quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp; Cơ quan công an thực hiện việc điều tra các vụ án hình sự và làm rõ hành vi phạm tội.
Vậy với chủ trương bỏ công an huyện thì các cơ quan Tòa án, Viện Kiểm sát cấp huyện hiện nay sẽ xử lý thế nào?
Nếu bỏ cấp này, chức năng điều tra có thể chuyển lên công an cấp tỉnh hoặc giao cho lực lượng khác như công an cấp xã nếu như đủ điều kiện. Nhưng khi đó, hồ sơ vụ án từ công an cấp tỉnh vẫn chuyển về Tòa án, Viện Kiểm sát cấp huyện như trước đây để làm gì?
Theo quy định hiện hành vẫn đang có hiệu lực, Tòa án, Viện Kiểm sát cấp huyện có trách nhiệm kiểm sát điều tra, truy tố, và xét xử các vụ án do công an cấp huyện thụ lý. Nếu Công an huyện bị bãi bỏ, phải chăng các cơ quan Tư pháp cấp huyện sẽ tham gia kiểm sát, xét xử các vụ án do công an tỉnh điều tra?
Theo giới chuyên gia luật, đây là một vấn đề bất cập không hề nhỏ đối với hệ thống tư pháp. Điều này sẽ gây không ít khó khăn trong công tác điều tra, truy tố và xét xử tại địa phương.
Theo đó, công an huyện hiện nay là lực lượng nắm rõ tình hình an ninh trật tự địa phương, phối hợp chặt chẽ với chính quyền và tư pháp. Nếu bỏ cấp này, các vụ án có thể mất nhiều thời gian hơn để thu thập thông tin ban đầu.
Việc tổ chức hệ thống tư pháp cấp xã là điều bất khả thi, với lý do Tư pháp là lĩnh vực đòi hỏi chuyên môn cao, trong khi cán bộ tư pháp cấp xã thường không có đủ trình độ chuyên sâu về điều tra, truy tố và xét xử. Nếu giao nhiệm vụ này cho cơ quan tư pháp cấp xã, việc điều tra, kiểm sát cũng như xét xử sẽ kém hiệu quả và không đạt yêu cầu.
Nếu tổ chức không cẩn thận, nó có thể dẫn đến tắc nghẽn hệ thống tố tụng và ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân trong việc tiếp cận công lý.
Công an xã hiện nay chủ yếu làm nhiệm vụ hành chính và giữ gìn trật tự, không có chức năng điều tra độc lập như công an cấp huyện hay cấp tỉnh. Ngoài ra ở cấp xã, cán bộ thường có mối quan hệ thân quen, có thể dẫn đến tình trạng bao che, hoặc giải quyết vụ việc không công bằng. Từ đó dẫn đến nguy cơ lạm quyền, và tiêu cực.
Do đó, nếu triển khai bỏ công an huyện, và hệ thống tư pháp cấp huyện, bao gồm: Tòa án, Viện Kiểm sát, sẽ phải điều chỉnh để phù hợp với mô hình tổ chức mới.
Hệ thống tư pháp càng phân tán, càng dễ dẫn đến tình trạng xử lý không đồng nhất giữa các vùng. Một vụ án có thể bị xử lý khác nhau ở từng địa phương, gây mất công bằng và ảnh hưởng đến nguyên tắc pháp chế.
Trà My – Thoibao.de
——