Mùng 3 Tết Nguyên đán năm ngoái, TVC1 có cuộc phỏng vấn với tiêu đề “vượt sóng cán đích”, nói về sự hoàn thiện thể chế pháp luật, thực hiện cải cách vv… mục đích là thúc đẩy siêu dự án 1 triệu căn nhà ở xã hội. Đặc biệt, chính sách phát triển nhà ở xã hội được tô hồng bằng cụm từ “không bỏ ai lại phía sau”.
Có thể nói, dự án 1 triệu căn nhà ở xã hội là một dự án táo bạo, là chính sách gắn liền với tên tuổi của ông Nguyễn Thanh Nghị, được xem là “đứa con cưng” của ông Bộ trưởng này.
Cuộc phỏng vấn nói trên dường như là theo một kịch bản soạn sẵn, cho cả câu hỏi và câu trả lời. Ông Nghị trả lời rất trôi chảy về những thông số, như có bao nhiêu văn bản luật ban hành, bao nhiêu nghị định, bao nhiêu thông tư vv…
Tuy nhiên, sau 1 năm nhìn lại, dự án 1 triệu căn nhà ở xã hội ấy đã đi đến đâu? Và có thực sự là ông Nghị đã “không bỏ ai lại phía sau” hay không?
Có lẽ, không cần phải tìm hiểu nhiều, chỉ cần lấy lại những bài phóng sự xã hội trên các báo nhà nước, thì sẽ biết, liệu ông Nghị có thực hiện được tham vọng hay không?!
Ngày 11/5/2024, báo Vnexpress có bài: “Đại diện công nhân thành phố Hồ Chí Minh: “Nhà ở xã hội chỉ thấy trên tivi”’.
Ngày 16/9/2024, báo Giao Thông có bài “Quy định “gỡ khó” nhà ở xã hội: Niềm vui chưa tới, nỗi lo lãi suất đã đè nặng”.
Ngày 1/11/2024, tờ VTC News có bài “Giá thuê nhà ở xã hội Hà Nội gần bằng 1 tháng lương, người nghèo “choáng váng”’.
Ngày 28/1/2025, tờ Tin tức của Thông tấn xã Việt Nam có bài “Gỡ “điểm nghẽn” trong phát triển nhà ở xã hội”. Tuy nhiên, việc “gỡ” này cũng chỉ là trên lời nói. Mà từ lời nói tới hành động đôi khi xa đến vô cùng.
…
Và còn rất nhiều bài viết khác, nói lên những khó khăn trong việc đưa nhà ở xã hội đến tay người có thu nhập thấp. Có thể thấy, chính sách 1 triệu căn nhà ở của ông Nghị không hiệu quả. Việc xây nhà có thể tiến hành, nhưng những căn nhà đó có được đưa đến tay người thu nhập thấp hay không, thực sự bị bỏ ngỏ, hoặc bị ông Nghị cố tình lãng quên?
Một số chuyên gia cho rằng, dự án 1 triệu căn nhà ở xã hội của ông Nghị, chỉ là loại chính sách trục lợi như bao chính sách khác. Bề ngoài thì lấy danh nghĩa “vì người nghèo”, nhưng thực chất, là tuồn dự án vào tay cho sân sau hưởng lợi. Danh nghĩa dành cho người nghèo chỉ để hưởng ưu đãi, rồi chuyển ưu đãi ấy lại vào tay sân sau làm giàu. Kết quả là, ngay cả giá thuê nhà ở xã hội Hà Nội, cũng gần bằng 1 tháng lương của người nghèo, khiến cho mọi ước mơ của người nghèo bị dập tắt. Người nghèo thì khóc, các sân sau thì cười.
“Đứa con đẻ” có tên 1 triệu căn nhà ở xã hội chỉ mới vừa lọt lòng, còn ốm yếu, thì mới đây, ông Nghị đã bỏ Bộ Xây dựng để vào Sài Gòn, nắm chức Phó Bí thư Thường trực Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh. Nói thẳng ra, ông Nghị đã bỏ “con” để đi giành ghế. Chắc chắn, ông chỉ lo giành lấy quyền lực, chứ không còn tâm trí đâu là chăm lo cho “đứa con” tinh thần của ông.
Hiện nay, trên danh nghĩa, ông Nghị vẫn còn là Bộ trưởng, vì ông chưa từ chức. Tuy nhiên, trên thực tế, ông đã không còn là người điều hành Bộ xây dựng nữa, mà công việc này được Thứ trưởng Thường trực của Bộ này điều hành. Rất có thể, kỳ họp Quốc hội sắp tới sẽ chính thức miễn nhiệm ông và bổ nhiệm Bộ trưởng mới. Ông sẽ rời Bộ Xây dựng, rũ bỏ trách nhiệm với dự án. Và có lẽ, ông để nó lại, như một bãi rác cho người kế nhiệm dọn dẹp.
Dự án đã vào tay nhóm lợi ích, sẽ không có bất kỳ nhà ở xã hội nào cho người nghèo, nhưng ông Nghị vẫn lên chức và vào Bộ Chính trị trong tương lai gần.
Trần Chương – Thoibao.de