Ngày 12/1, RFA Tiếng Việt cho hay: “Tại sao Bộ Công an muốn quản lý MobiFone?”.
Theo đó, RFA cho hay, báo nhà nước vào ngày 12/1 đồng loạt đưa tin về việc Bộ Công an được đề xuất tiếp nhận một số các công ty nhà nước và chức năng nhiệm vụ mới được chuyển giao từ các bộ, ngành khác theo đề xuất của Bộ Nội vụ trong kế hoạch tinh giản rộng khắp đang được Đảng Cộng sản phát động.
Thông tin Bộ Công an tiếp nhận MobiFone và nhiệm vụ sát hạch, cấp giấy phép lái xe được báo chí Nhà nước công bố vài ngày sau khi thông tin này đã được lan truyền trên mạng xã hội.
Theo RFA, kế hoạch tinh giản bộ máy được Tổng Bí thư Tô Lâm phát động trong nửa cuối năm 2024, sau khi lên nhậm chức vào tháng 8 cùng năm, được cho là một kế hoạch tham vọng, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan Đảng, Chính phủ và Nhà nước, tiết kiệm ngân sách Nhà nước.
RFA dẫn lời Giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Úc, cho rằng, ông Tô Lâm mong muốn kế hoạch thực hiện được hoàn tất vào trước ngày diễn ra Đại hội Đảng toàn quốc vào đầu năm 2026, tiến tới mục tiêu đã được Đảng đề ra là đưa Việt Nam thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030, phấn đấu đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Theo kế hoạch tinh giản, Bộ Giao Thông Vận Tải đang quản lý hoạt động sát hạch và cấp giấy phép lái xe sẽ phải sáp nhập với Bộ Xây Dựng; Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đang quản lý 19 tập đoàn, tổng công ty sẽ chuyển về Bộ Tài chính. MobiFone hiện do Uỷ ban quản lý.
RFA cũng cho hay, MobiFone hiện nằm trong số 3 doanh nghiệp viễn thông – công nghệ thông tin – nội dung số lớn nhất Việt Nam. Doanh thu của MobiFone năm 2024 ước đạt gần 23.500 tỷ đồng; mục tiêu đặt ra cho năm 2025 là 26.000 tỷ đồng, lợi nhuận ước đạt gần 1.800 tỷ đồng.
Thông tin về việc MobiFone bị thâu tóm đã xuất hiện trên các trang tin điện tử không do Nhà nước quản lý từ năm 2012.
Những thông tin ban đầu về việc thâu tóm MobiFone không được truyền thông nhà nước đăng tải, một số tin không thể kiểm chứng, nhưng những sai phạm trong việc thâu tóm MobiFone liên quan đến vụ án MobiFone mua cổ phần của Công ty Nghe nhìn toàn cầu (AVG) đang thua lỗ, gây thiệt hại cho Nhà nước gần 7.000 tỷ đồng đã được công khai trên truyền thông Nhà nước sau đó. Vụ án đã khiến 2 cựu Bộ trưởng Thông tin Truyền thông là Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn lãnh án tù chung thân và 14 năm tù.
RFA nhắc lại, vụ án MobiFone mua AVG bị đưa ra xét xử vào tháng 12/2019 với 14 bị cáo, bao gồm nhiều quan chức Chính phủ như cựu Bộ trưởng Thông tin Truyền thông Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, cựu Chủ tịch MobiFone Lê Nam Trà. Đặc biệt, dư luận chú ý tới vai trò của ông Tô Lâm dù ông không bị điều tra, xét xử.
Tuy Viện Kiểm sát xác định việc mua bán giữa MobiFone và AVG không phải là thông tin tuyệt mật, nhưng thông tin này đã được Bộ Thông tin Truyền thông đề nghị với Bộ Công an đưa vào danh sách bí mật nhà nước và được chấp nhận.
Trong khi đó, khi vụ án MobiFone mua AVG xảy ra, ông Tô Lâm là Thứ trưởng Công an, và được cho là đã ký các công văn dọn đường cho việc mua bán trái phép này. Các thông tin về những công văn này được đăng trên các trang “lề trái” nhưng khá chi tiết.
Đó là công văn số 2889/BCA – A61, ngày 21/12/2015 khẳng định việc mua bán giữa MobiFone và AVG là đúng pháp luật đúng quy định, giá cả hợp lý. Công văn được đóng dấu mật. Công văn thứ 2 là 418/BCA-TCAN, ngày 09/3/2015 gửi Bộ Thông tin và Truyền thông, đề nghị quản lý chặt chẽ thông tin, tài liệu liên quan đến việc chuyển nhượng giữa MobiFone và AVG và đưa vào danh mục tài liệu mật; chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí không đưa tin, bài viết về việc chuyển nhượng giữa 2 doanh nghiệp.
Thu Phương – thoibao.de