Lưu Bình Nhưỡng ra tòa, Tô Lâm tẩy sạch tiếng nói phản biện tại Quốc hội!

Bắt đầu cho cái gọi là “kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” của Tô Lâm, là việc tòa án xét xử cựu Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng.

Cá nhân ông Nhưỡng cũng là đề tài tranh cãi trên mạng xã hội, người buộc tội ông không ít và người bênh vực ông cũng nhiều. Nguyên nhân vì đâu?

Ông Lưu Bình Nhưỡng bị nhà cầm quyền cáo buộc tội “cưỡng đoạt tài sản”. Tuy nhiên, không ít người bày tỏ hoài nghi về tội trạng này. Họ cho rằng, ông Nhưỡng chỉ là Đại biểu Quốc hội, không giữ bất kỳ một chức vụ có thực quyền nào trong bộ máy nhà nước, như rất nhiều đại biểu khác. Ông chỉ là Phó ban Dân nguyện của Quốc hội – một chức vụ chỉ để “làm cảnh”.

Nếu muốn “cưỡng đoạt tài sản” của ai, thì trước hết, phải là người có thực quyền. Dù không có thực quyền trong chính quyền, thì cũng phải có thực quyền đối với giới “xã hội”, nghĩa là, phải có băng đảng đủ mạnh để “làm luật”. Vì vậy, việc nhà cầm quyền buộc tội “cưỡng đoạt” đối với ông Nhưỡng là không thuyết phục.

Tuy nhiên, một khi đã là ý muốn của thượng tầng, thì không một luật sư nào có thể gỡ tội cho bị cáo.

Với những người còn tin tưởng vào chế độ, thì sẽ chỉ trích, thậm chí buộc tội ông Lưu Bình Nhưỡng. Còn người có tư duy độc lập, dùng tư duy logic để phân tích, thì nghiêng về hướng nghi ngờ động cơ của nhà cầm quyền đối với ông Nhưỡng. Những người này tin là ông Nhưỡng không phạm tội, hoặc không đủ khả năng để phạm tội.

Nhưng trong chế độ này, “chính quyền không bao giờ sai”.

Còn nhớ, hồi năm 2015, tại một cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bà Lê Thị Thu Ba – Phó Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương, đã phản ánh rằng, do chưa rõ nguyên tắc suy đoán vô tội, mà có trường hợp lỡ bắt rồi nên phải xử, phải tuyên phạt cho tương xứng với tội trạng mà nạn nhân bị gán ghép. Điều đó chứng minh rằng, chế độ này vẫn thường xuyên tùy tiện bắt người ghép tội. Đây là vấn đề mà chế độ này không thể khắc phục, bởi nhờ nó mà nhà cầm quyền mới khiến người dân khiếp sợ, bất chấp người dân có hiểu luật hay không.

Có thể nói, ông Lưu Bình Nhưỡng là người cuối cùng trong Quốc hội có tiếng nói đứng về phía người dân. Những người từng có tiếng nói tương tự, như ông Dương Trung Quốc, Trương Trọng Nghĩa vv… đều không còn là đại biểu Quốc hội nữa.

Không biết, tội của ông Lưu Bình Nhưỡng có đúng như nhà cầm quyền cáo buộc hay không? Bởi nhiều nhà phân tích cho rằng, đây là vụ án có động cơ chính trị. Mà đã có động cơ chính trị, thì việc bị kết tội trên tòa chỉ là cái cớ, về bản chất, nhà cầm quyền muốn triệt tiêu vấn đề khác.

Vậy đấy là vấn đề gì?

Ông Nhưỡng từng là Phó Chủ nhiệm Pháp luật Kinh tế của Đại học Luật Hà Nội. Ông được nhiều luật sư đánh giá là một trí thức đúng nghĩa, hiểu luật và dám nói thẳng trước Quốc hội.

Ban đầu, nhà cầm quyền muốn đưa những người như ông Nhưỡng lên, để tô vẽ không khí dân chủ cho Quốc hội. Họ biết rõ rằng, một vài tiếng nói đơn lẻ thì không thể làm thay đổi các quyết định cần Quốc hội thông qua. Tuy nhiên, trong thời đại internet, mạng xã hội kết nối khiến cho tiếng nói phản biện của ông Nhưỡng lan toả, làm cho họ e ngại. Đặc biệt, ông Nhưỡng không ngại động chạm, khi nói về các vụ án oan, như Hồ Duy Hải, Nguyễn Văn Chưởng…

Với việc kết án ông Nhưỡng, chắc chắn một điều rằng, từ nay, chẳng còn đại biểu nào dám “ăn gan hùm”, để nói thẳng trước Quốc hội nữa. Đấy chính là thông điệp mà ông Tô Lâm muốn gửi đến các đại biểu Quốc hội.

Đánh vào ông Lưu Bình Nhưỡng, ông Tô Lâm đã buộc 500 “nghị gật” phải vào “chuồng” khuôn khổ do ông dựng lên. Có thế, chính sách của ông mới đạt đồng thuận cao.

 

Trần Chương – Thoibao.de