Ngày 30/12/2024, RFA Tiếng Việt đăng bài “Ông Tô Lâm quẳng cái đe sắt cho đối thủ đang sắp chết đuối”, của tác giả Zachary Abuza.
Ông Zachary Abuza là giáo sư tại Đại học Chiến tranh Quốc gia Hoa Kỳ ở Washington, và là trợ giảng tại Đại học Georgetown.
Theo tác giả, cựu Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có khả năng sẽ phải đối mặt với khởi tố hình sự.
Việc Tổng Bí thư Tô Lâm – dưới danh nghĩa chống tham nhũng – sử dụng Bộ Công an như một vũ khí để buộc các đối thủ từ chức, đã được ghi nhận rõ ràng.
Từ tháng 12/2022 đến tháng 5 năm nay, 8 ủy viên Bộ Chính trị đã từ chức, tất cả đều được hạ cánh an toàn, và được giữ lại phần lớn tài sản, lợi ích tại các doanh nghiệp, cũng như thân thế. Không ai bị đưa ra xét xử.
Nhưng, theo tác giả, điều này có thể sẽ thay đổi.
Cụ thể:
Vào tháng 11/2024, Bộ Chính trị đã kỷ luật cảnh cáo đối với cựu Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Cùng với đó là quyết định không kỷ luật đối với cựu Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, do có vấn đề về sức khỏe.
Ngày 13/12, Bộ Chính trị đã kỷ luật cảnh cáo đối với cựu Thủ tướng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, và cựu Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình.
Ông Phúc bị nêu đích danh vì vi phạm các quy định của Đảng và Nhà nước trong quản lý, và quy định về “những điều đảng viên không được làm”, mặc dù thông báo của Bộ Chính trị không nêu rõ đó là những điều gì.
Bà Trương Thị Mai cũng bị kỷ luật. Gia đình bà có rất nhiều lợi ích doanh nghiệp trong lĩnh vực y tế – một lĩnh vực được hưởng lợi từ đại dịch COVID-19.
Tác giả nhận xét, những hình thức kỷ luật này đều là các biện pháp kỷ luật nội bộ trong Đảng, nhưng rất quan trọng, vì Đảng thường tiến hành điều tra các quan chức cấp cao của mình, trước khi hệ thống tư pháp có thể xử lý họ.
Cánh cửa cho việc khởi tố giờ đây đã được mở.
Theo tác giả, khởi tố một ủy viên Bộ Chính trị là điều hiếm thấy. Kể từ thời kỳ Đổi mới (bắt đầu vào năm 1986), chỉ có một trường hợp duy nhất bị khởi tố là ông Đinh La Thăng.
Tuy nhiên, trường hợp của ông Phúc có thể khác.
Cả ông Phúc và cựu Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đều liên quan tới cuộc điều tra tham nhũng kéo dài đối với ông Mai Tiến Dũng – cựu Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, trong vụ án tại Công ty Đại Ninh Sài Gòn ở Lâm Đồng.
Tác giả cho biết, ông Dũng khai với cơ quan hữu trách rằng, ông hỗ trợ dự án ở tỉnh Lâm Đồng theo chỉ đạo của “cấp trên”. Ông Phúc lúc đó là Thủ tướng và được cho là đã nhận khoản hối lộ 3 triệu USD để phê duyệt dự án.
Vụ án Công ty Sài gòn Đại Ninh vốn có liên quan đến một cuộc điều tra lớn hơn về bà Trương Mỹ Lan.
Trong vụ bê bối đó, 58% cổ phần của Sài Gòn Đại Ninh đã được bán cho Tập đoàn Vạn Thịnh Phát của bà Lan.
Tác giả cũng cho biết, mặc dù còn mong manh, nhưng hiện đã có sợi dây liên hệ trực tiếp giữa ông Phúc và vụ tham nhũng lớn nhất trong lịch sử Việt Nam.
Bà Lan được cho là đã hối lộ ông Phúc và vợ ông – bà Trần Thị Nguyệt Thu – một số tiền lớn.
Vợ và con gái ông Phúc – cô Nguyễn Thị Xuân Trang – cũng đang bị điều tra vì đã giúp cháu bà Lan – ông Trương Khánh Hoàng – khi đó là quyền Giám đốc Ngân hàng SCB, rửa tiền sang Hồng Kông.
Tác giả tiết lộ, điều quan trọng, cần phải hiểu là, ông Phúc không chỉ là đối thủ chính trị, mà còn là đối thủ kinh doanh của ông Tô Lâm.
Gia đình ông Phúc nắm cổ phần kiểm soát tại Tập đoàn Trung Nam, trực tiếp cạnh tranh trong hầu hết các lĩnh vực với tập đoàn Xuân Cầu, thuộc sở hữu của ông Tô Dũng – em trai ông Tô Lâm.
Tác giả cho rằng, điều tồi tệ nhất có thể đến với ông Phúc bất cứ lúc nào.
Tuy nhiên, vào thời điểm này, khả năng ông cựu Thủ tướng, cựu Chủ tịch nước, cùng thành viên trong gia đình ông, sẽ bị điều tra hình sự là nhiều hơn khả năng không bị.
Tác giả kết luận, một người sắp chết đuối đang sắp được quẳng cho cho một cái đe sắt.
Hoàng Anh – thoibao.de